
Giới thiệu chung về vườn quốc gia Bidoup
Chắc hẳn có nhiều người vẫn chưa biết vườn quốc gia Bidoup Núi Bà ở đâu. Nơi đây thuộc huyện Lạc Dương và một phần của huyện Đăm Rông – tỉnh Lâm Đồng.
Theo tiếng địa phương, “bidoup” có nghĩa là cúi lạy và gắn với một truyền thuyết cùng với Lang Biang. Lang Biang và Bidoup vốn là hai anh em nhưng Bidoup lại cao hơn anh. Do đó, Lang Biang không chấp nhận, đã gõ và kéo đầu em xuống. Ngày nay, nếu nhìn từ xa có thể thấy đỉnh Bidoup không tròn mà khuyết mất một bên.

Bidoup Núi Bà National Park là một trong 27 vườn quốc gia ở Việt Nam thuộc loại rừng đặc dụng. Vào năm 2015, nơi đây còn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, đầu tiên tại Tây Nguyên. Đến với Bidoup, bạn sẽ được hòa mình tận mắt khám phá hệ thống thực vật phong phú nơi đây.
Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà sở hữu 91% diện tích là rừng và đất nguyên sinh, nhiều tán cây rộng, lá kim nhiệt đới. Với 1468 loài thực vật, Bidoup đích thị là một ngôi nhà của những thảm thực vật đa dạng. Đặc biệt trong số đó là 62 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và hơn 250 loại lan rừng quý hiếm, tuyệt đẹp.
Đến với Bidoup Núi Bà, bạn không chỉ được khám phá thiên nhiên hoang sơ, đầy bí ẩn mà cũng rất thú vị của núi rừng mà còn có thể chinh phục đỉnh núi cao 2287m – được coi là cao nhất cao nguyên Lâm Viên. Bạn sẽ được băng qua những rừng thông cao vút, vượt qua những con sông, con suối, gặp gỡ cây Pơ Mu đại thụ hơn 1300 tuổi.
Khám phá ngay Tour Trekking BiBoup Núi Bà 2 Ngày 2 Đêm tại TourTrekking.vn để có những trải nghiệm thú vị
Hướng dẫn di chuyển đến Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà
Nếu xuất phát từ Đà Lạt, bạn sẽ đi từ đường Hùng Vương rồi rẽ vào Quốc lộ 27 (tỉnh lộ 723) để đi xã Đa Nhim.
Cung đường dễ

- Đoạn đường di chuyển từ tỉnh lộ 732 đến trạm kiểm lâm Bidoup đa phần và đường mòn không quá gồ ghề, quãng đường này dài khoảng 7km. Nếu như bạn muốn tiết kiệm sức lực và không có nhiều thời gian di chuyển thì có thể liên hệ thuê xe khách ở vườn quốc gia để đi.
- Từ trạm kiểm lâm lên tới đỉnh bạn sẽ phải trải qua nhiều đoạn đường khác nhau. Đoạn đường được nhiều người thích thú nhất chính là đi xuồng dây kéo trên sông Đa Nhim. Sau khi đi xuồng bạn có thể nghỉ ngơi và ăn trưa trước khi chinh phục đến đỉnh núi.
- Sau khi cắm trại qua đêm trên đỉnh núi, tiếp tục di chuyển đến rừng Bidoup. Đường đi khoảng chừng 4km và hơi dốc nhưng không quá khó khăn.
Cung đường khó

- Khác với cung đường phía trên, cung đường khó này sẽ bắt đầu từ trạm K’long K’lanh. Sau đó bạn đi qua cầu treo và vượt những con dốc để đến một tảng đá to. Từ đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh đỉnh núi Bà Bidoup trùng trùng điệp điệp.
- Trên đường di chuyển bạn có thể ghé tới cột mốc cây Pơ Mu có niên đại 1300 năm tuổi sau đó tiếp tục hành trình đến đỉnh Bidoup. Quãng đường này sẽ khó khăn hơn so với những cung đường còn lại bởi bạn sẽ phải vượt qua những con dốc 45 độ.
Nên trekking Bidoup Núi Bà thời điểm nào?
Dù trekking ở đâu thì trước khi đi chúng ta vẫn phải tìm hiểu xem nơi đó vào tháng nào đẹp nhất, dễ đi và an toàn nhất. Bidoup cũng không ngoại lệ. Nếu mong muốn chinh phục Bidoup Núi Bà, bạn hãy lên kế hoạch thật kỹ lưỡng và lựa chọn thời điểm thích hợp nhất để có được trải nghiệm trọn vẹn.
Khi trekking rừng thì điều cần phải quan tâm nhất chính là thiên nhiên ở nơi đó, không chỉ thuận lợi cho việc ngắm cảnh đẹp mà còn giúp chuyến đi của bạn an toàn, nhanh chóng hơn. Có thể nói thời điểm thích hợp nhất để khám phá vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà là từ tháng 12 đến tháng 4.

Đây là thời điểm cuối đông – đầu xuân, khí hậu khô ráo, mát mẻ, không có nhiều mưa và nước suối lớn thuận tiện cho trekking. Đường không trơn trượt nhiều giúp chuyến đi của bạn nhanh và an toàn hơn.
Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm núi rừng hồi sinh sau kỳ nghỉ đông. Thảm thực vật ở Bidoup sẽ phong phú, tràn đầy sức sống hơn bao giờ hết. Núi rừng xanh thẳm, cây cối tươi tốt. hoa lan, đỗ quyên thi nhau đua nở tạo nên một bức tranh thiên nhiên Bidoup đẹp mê mẩn.
Mùa mưa ở Lâm Đồng rơi vào khoảng tháng 9, tháng 10, bạn sẽ đối mặt với những cơn mưa bất chợt chẳng biết đâu mà lần vào thời gian này. Mùa mưa khiến cho đường trơn trượt, ẩm ướp, việc leo dốc trở nên khó khăn và phải đối mặt với các loại vắt, rắn.
Trekking Bidoup Núi Bà có khó không?
Trekking trong rừng không chỉ có khó khăn về đường đi mà môi trường xung quanh cũng luôn tồn tại những thử thách đòi hỏi con người phải đối mặt, vượt qua. Bởi thế mà leo núi Bidoup chưa bao giờ là dễ dàng đối với cả những trekkers đã có kinh nghiệm. Bạn sẽ phải xuyên rừng, vượt thác, băng qua những thung lũng, con suối,… như sông Đa Nhim, thung lũng Klong Lanh, rừng kín Thường Xanh,…

Không chỉ nhiều dốc khiến bạn đôi lúc mệt bở hơi tai và chẳng còn sức lực vượt qua, khi chinh phục đỉnh cao nhất Lâm Đồng, bạn còn có thể gặp khó khăn khi không khí loãng, người mệt mỏi, khó thở do chưa quen.
Khi khám phá núi Bidoup Lâm Đồng, bạn nên đăng ký đi theo tour để có được lịch trình cụ thể, chi tiết nhất, sẽ có các porter người dân tộc K’ho, Cil, Churu am hiểu đường đi chỉ dẫn.
Chi phí trekking Bidoup bao nhiêu?

Chi phí leo núi Bidoup Lâm Đồng sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Song, trong bài viết hôm nay chúng mình sẽ gợi ý các mức chi phí cơ bản cho chuyến đi 2N1Đ dành cho nhóm 5 người để bạn tham khảo:
- Giá vé tham quan vườn quốc gia Bidoup: 200.000đ/5 người
- Chi phí thuê porter mang đồ và nấu ăn: 1.000.000đ/2 porter
- Tiền bữa trưa và bữa tối: 500.000đ
- Chuẩn bị đồ ăn, nước uống: 300.000đ
- Các chi phí phát sinh: 500.000đ
Nhìn chung, mức chi phí của một người khi đi trekking Bidoup Núi Bà thường trong khoảng từ 600.000đ đến 1.500.000đ. Bên cạnh việc đi tự túc bạn cũng có thể lựa chọn các tour leo núi Bidoup Đà Lạt nếu như chưa có nhiều kinh nghiệm nhé!
Cần chuẩn bị gì khi đi trekking Bidoup?
Việc chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết sẽ giúp bạn có thể tiết kiệm một khoản chi phí khá lớn cho việc thuê đồ như lều cắm trại, túi ngủ…. Tuy nhiên, để dễ dàng hơn khi di chuyển và leo núi bạn chỉ cần mang theo những thứ cần thiết nhất mà thôi.

Hơn nữa, nếu bạn thuê porter nấu ăn thì sẽ không cần phải chuẩn bị thêm bếp nướng hay những dụng cụ nấu ăn đâu nhé! Danh sách những đồ trekking leo núi cơ bản mà bạn nên chuẩn bị như sau:
- Lều cắm trại và ghim cọc
- Túi ngủ và tấm lót đệm hoặc tấm cách nhiệt
- Giày leo núi: có thể bạn sẽ cần đến một đôi giày leo núi chống nước bởi có những đoạn đường sẽ phải lội suối.
- Balo leo núi: nên lựa chọn những loại balo có dung tích lớn giúp dễ dàng đựng những đồ dùng cần thiết ở bên trong.
- Mũ chống nắng
- Quần áo: lựa chon những bộ quần áo dài tay, áo khoác gió chống nước và 1 bộ đồ thoải mái mặc khi đi ngủ.
- Tất dài: hãy sử dụng những đôi tất càng dài càng tốt để hạn chế việc bị đỉa hoặc vắt cắn trong quá trình di chuyển trong rừng.
- Kính râm che nắng
- Đồ dùng cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, dầu gội khô…
- Đèn pin chiếu sáng
- La bàn hoặc công cụ định vị GPS
Các địa điểm đẹp ở vườn quốc gia Bidoup
Không chỉ là một địa điểm trekking, leo núi đơn thuần. Điều hấp dẫn những “trekker” đến với Bidoup có lẽ bởi nơi đây sở hữu cho mình rất nhiều những địa điểm đẹp. Trong hành trình leo núi của mình, bạn đừng quên ghé tới những địa điểm dưới đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng Đà Lạt Lâm Đồng nhé!
Check in ở cây cầu giăng
Trên đường di chuyển đến đỉnh Bidoup bạn sẽ bắt gặp cây cầu giăng bắc qua dòng sông và nối liền cánh rừng rậm bạt ngàn. Đây cũng chính là điểm chụp hình check in quen thuộc của nhiều các bạn trẻ khi ghé tới vườn quốc gia Bidoup Đà Lạt đó.

Đặc biệt, từ cây cầu sống ảo này bạn còn có thể chiêm ngưỡng khung cảnh của ngọn núi Bidoup – mái nhà của Lâm Đồng nữa đấy! Trên hành trình trekking Bidoup núi Bà nhớ dừng chân nghỉ ngơi tại đây một chút nhé!
Chiêm ngưỡng cây Pơ Mu đại thụ hơn 1300 năm tuổi
Một trong những điều đáng tự hào ở vườn quốc gia Bidoup Lâm Đồng này chính là nơi đây sở hữu cho mình cây Pơ Mu đại thụ. Theo như giới thiệu, cây Pơ Mu này đã tồn tại khoảng hơn 1300 năm tuổi và là một loài thực vật quý hiếm cần được bảo tồn.

Ngay từ khi đặt chân tới đây chắc chắn bạn sẽ bị choáng ngợp bởi cây có kích thước rất lớn. Cây Pơ Mu đại thụ có độ cao lên tới hơn 30m và đường kính dưới gốc khoảng chừng 2.2m.
Khám phá hệ động thực vật ở rừng Bidoup
Với những ai yêu thích khám phá thiên nhiên thì chắc chắn vườn quốc gia Bidoup sẽ là một điểm dừng chân lý tưởng mà bạn không nên bỏ qua trong hành trình sắp tới. Đừng mải miết trekking Bidoup để chinh phục đỉnh núi mà quên mất rằng ở ngay chính trên đường mà bạn di chuyển có vô vàn các loài thực vật đa dạng để bạn khám phá đấy!

Với lợi thế tọa lạc ở vùng đất màu mỡ nên các loài cây cối cho tới các loài hoa rừng tại đây đều được phát triển rất tốt. Đặc biệt, nhắc đến vườn quốc gia Bidoup chắc chắn người ta sẽ nghĩ ngay đến các loài hoa lan rừng tuyệt đẹp. Nếu đi đúng vào thời điểm bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cánh hoa lan nở rực rỡ như càng tô điểm cho khung cảnh núi rừng Lâm Đồng đó!
Không dừng lại ở đó, vườn quốc gia Bidoup Núi Bà ngày càng phát hiện nhiều giống loài động vật mới giúp cho hệ sinh thái tại đây ngày càng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, vì các loài động vật tại đây đều được thả rông để tự do sinh tồn nên bạn cần cẩn thận một chút nhé!
Lịch trình trekking Bidoup Núi Bà
Trong chuyến đi vừa rồi, nhóm chúng mình gồm 5 thành viên đã quyết định leo núi Bidoup theo cung đường dễ bởi đây là lần đầu tiên đi leo núi trong vườn quốc gia cũng như muốn không bị tốn quá nhiều sức.

Ngày thứ 1: trạm kiểm lâm – cây cổ thụ Pơ Mu – bãi cắm trại
Khoảng 6h sáng chúng mình di chuyển đến cổng vườn quốc gia Bidoup Núi Bà. Cả nhóm đi bộ từ phía tỉnh lộ 723 và dừng chân tại trạm kiểm lâm. Để có thể tiếp tục chuyến hành trình, bạn sẽ phải bắt buộc có người của trạm kiểm lâm đi theo “tháp tùng” để đảm bảo rằng bạn không xả rác hay đơn giản là vô tình để lại 1 mẩu rác nào.
Sau khi đi qua trạm kiểm lâm một đoạn bạn sẽ đến với cây cầu giăng “sống ảo”. Từ đây nhìn sang bên kia chính là rừng Bidoup. Cảm giác nhìn cánh rừng sâu hun hút như đang chờ những đôi chân đặt tới khám phá chắc chắn sẽ vô cùng kích thích đó.

Đi qua cây cầu treo này bạn sẽ đến với cánh rừng nguyên sinh. Con đường đi tới đỉnh núi đa phần đường là đường mòn tuy nhiên lối đi khá hẹp, thậm chí có những đoạn bạn sẽ phải luôn mình ngang qua những thân cây bị đổ ngã. Hơn nữa, tại đây độ ẩm thường khá cao nên đường đi cũng rất trơn, bạn nên cẩn thận một chút hoặc sử dụng gậy leo núi để tránh trơn trượt nhé.

Điểm dừng đầu tiên trong hành trình của mình chính là ở cây cổ thụ Pơ mu. Để đi đến cột mốc này bạn sẽ phải đu đây trên một con dốc thẳng đứng. Tường dốc này dài khoảng chừng 1km rất trơn và khó đi nên hãy cố gắng bám dây thật chắc để vượt qua nhé! Qua con dốc thẳng đứng rồi đi bộ thong thả khoảng 1km bạn sẽ thấy được cây Pơ mu.
Đến khoảng 2 giờ chiều cả nhóm cố gắng đi thật nhanh để đến bãi cắm trại trước khi trời tối. Từ chỗ cây Pơ mu chỉ cần đi bộ khoảng chừng vài trăm mét sẽ đến được cột mốc 2287m.
Sau khi check in tại cột mốc, cả nhóm bắt đầu di chuyển đến bãi cắm trại. Từ đây xuống bãi cắm trại sẽ mất khoảng 5km. Hãy cố gắng đến bãi cắm trại càng sớm càng tốt bởi trời trong rừng chỉ khoảng 5 chiều là đã rất tối rồi đó.

Bãi cắm trại nằm ở khu rừng thông rộng mênh mông và khung cảnh đậm chất Đà Lạt. Càng về chiều thì nhiệt độ trong rừng lại càng hạ thấp nên bạn hãy chuẩn bị thêm áo khoác nhé! Sau khi dựng lều cắm trại, chúng mình quyết định nhờ porter đốt lửa trại cho ấm sau đó ăn tối và nghỉ ngơi.

Ngày thứ 2: bãi cắm trại – rừng Bidoup
Sáng hôm sau bạn hãy cố gắng dậy thật sớm để ngắm cảnh bình minh trên đồi thông nhé! Cảm giác sương sớm lạnh giá được nhâm nhi tách cafe nóng và hòa mình trong bầu không khí trong lành quả thực vô cùng thích thú.
Sau khi ăn sáng bắt đầu di chuyển vào bên trong rừng Bidoup để khám phá hệ sinh thái ở trong rừng nguyên sinh này. Rừng rộng lớn bạt ngàn nhưng có rất nhiều những loài cây, loài hoa khác nhau. Nếu hiểu biết về hệ động thực vật chắc chắn bạn sẽ thấy rất thích thú cho xem.
Quãng đường về tuy không quá khó khăn thế nhưng vì sáng vào ban ngày khá gay gắt, đường về cũng bắt đầu thưa bóng cây nên cả nhóm ai ai cũng thấm mệt.
Lưu ý khi đi leo núi Bidoup
Cũng giống như những vườn quốc gia ở Việt Nam khác, rừng nguyên sinh ở Bidoup được bảo vệ rất nghiêm ngặt chính vì vậy bạn tuyệt đối không nên xả rác trong suốt hành trình di chuyển. Đừng quên mang theo một chiếc túi đựng đồ bỏ đi, các loại rác thải và để chúng vào đúng nơi quy định. Ngoài ra, bạn cũng không được phép chặt cây đốn củi nếu không muốn bị kiểm lâm bắt nhé!

Ở VQG Bidoup Núi Bà có một “đặc sản” chính là loài vắt. Nhiều nhất là ở khu rừng K’long K’lanh do đặc điểm về độ ẩm cao. Khi di chuyển bạn nên lựa chọn những trang phục dài tay. Nên đi tất chân và khoác áo gió để hạn chế việc bị vắt cắn nhé! Với những ai có làn da nhạy cảm thì nên sử dụng thêm cả thuốc xịt côn trùng nữa.

Nếu muốn đốt lửa cắm trại bạn nên nhờ các porter để họ chuẩn bị sẵn (tất nhiên sẽ là tính phí). Ở vườn quốc gia Bidoup không cho phép tự do đốt lửa trại nên bạn hãy tuân theo nhé!
Nếu có kế hoạch cắm trại ở trên đỉnh núi Bidoup bạn nên chuẩn bị thêm áo khoác và một bộ quần áo ngủ dài tay. Bởi nhiệt độ về đêm trên đỉnh núi thường rất thấp. Thậm chí bạn sẽ cần tới miếng dán giữ nhiệt, áo khoác, mũ, găng tay…
Trên đây, Tour Trekking đã vừa chia sẻ đến các bạn những kinh nghiệm trekking thú vị nhất tại Vườn Quốc Gia Bidoup – Núi Bà. Hy vọng với những thông tin mà bài viết cung cấp sẽ giúp bạn có được một chuyến đi leo núi với nhiều trải nghiệm tuyệt vời nhất.